TIẾNG ĐÀN BÀ
Lãng mạn, nhẹ nhàng và ý nghĩa là cảm xúc mà người đọc có thể tìm thấy trong cuốn tản văn “Tiếng đàn bà”. Đây là tác phẩm tập hợp những bài viết nhỏ, mang nặng nỗi niềm của một người phụ nữ đang phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm nhưng vẫn luôn giữ thái độ sống lạc quan, biết chắt lọc và tìm kiếm niềm vui cho mình trong những điều bình dị nhất.
Tiếng đàn bà, là những mẩu chuyện về mình, về con, về người sống xung quanh… Có cả những cảm xúc bất chợt rất đàn bà, được tác giả thu vào trong ngòi bút của chính mình. Cảm xúc ấy đến có thể trong lúc cô mở toang cửa sổ đón ánh mặt trời ngày mới, khi xuống phố gặp bạn thân, khi vào bếp, khi chơi với con, khi đêm về một mình cô quạnh, cũng có khi chỉ là bất chợt nhìn thấy cái cây, khóm hoa bên đường… Bằng những trải nghiệm sâu sắc, Ubee Hoàng khéo léo dẫn dắt người đọc đến với một thế giới vô cùng quen thuộc nhưng lại vô cùng biến hóa: đời sống và suy tư của những người phụ nữ.
Nhà thiết kế Chương Đặng nhận xét, Tiếng đàn bà là trải lòng của một người phụ nữ có thể gom nhốt những nỗi nhọc nhằn đời sống vào những góc riêng biệt của cuộc mưu sinh. Đọc những trang viết giàu cảm xúc, bạn đọc dễ thấy được hình ảnh người phụ nữ kiên cường với một trái tim đa cảm. Cô trân trọng ký ức, đôi khi vẫn tự ôn lại kỷ niệm cũ mặc cho nó có thể chính là vết cắt trong lòng. Ký ức dù tốt đẹp hay đớn đau đều quan trọng, vì nó là minh chứng cho một thời chúng ta đã từng hết lòng như thế.
Gửi gắm nhiều tâm tư cho con khi thực hiện tập sách này, tác giả, Ubee Hoàng không giấu đời sống riêng. Do vậy, đâu đó trong Tiếng đàn bà, độc giả sẽ thấy những chia sẻ của cô dành cho con – những đứa trẻ đang lớn lên. Những sẻ chia này, không phải của một người đi trước mà là người đồng hành. Xem con như bạn, tác giả nói với con những điều con đã có thể nhận biết lẫn chưa, như cả một thoáng chông chênh của mẹ. Để thấy rằng, những đứa trẻ ấy, quan trọng đối với cô biết dường nào. Và, cô dành cho chúng sự cả tôn trọng lẫn yêu thương… Như cách mà một bà mẹ đơn thân trò chuyện với con – một chuyện rất đời thường của đàn bà - bà mẹ ấy không chỉ là dạy dỗ mà để biết về con như một nhân cách độc lập, để hiểu rằng phần lớn cuộc đời của chúng sẽ không có, thậm chí không cần ta bên cạnh.
Qua bốn phần của tập sách, Ubee Hoàng mang đến cho người đọc những mảnh đời, mảnh tình nhiều màu sắc. Tình yêu không có nhiều ở đây dù vẫn có những mối quan hệ đàn bà – đàn ông. Như lời nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, những mối quan hệ ấy trọn vẹn hay không thì cái thứ “tình” mà Ubee Hoàng kể lại chính là tiếng lòng của đàn bà.
Gooda tin rằng cuốn sách sẽ mang lại kiến thức thật bổ ích cùng những trải nghiệm thật tuyệt vời, hy vọng đây sẽ là 1 cuốn sách quý trên kệ sách của bạn!