Nếu làm việc chăm chỉ, bạn sẽ thành công, và một khi thành công, bạn sẽ hạnh phúc.
Nếu thành công tạo ra hạnh phúc, vậy thì mỗi nhân viên được thăng chức, mỗi sinh viên được nhận vào trường, bất cứ ai từng hoàn thành một mục tiêu nào đó lẽ ra đã phải hạnh phúc. Thế nhưng với mỗi chiến thắng, cột mốc thành công của chúng ta lại được đẩy ra xa hơn, xa hơn nữa, và cứ như thế, hạnh phúc trở nên vượt quá tầm với.
Quan trọng hơn nữa, công thức ấy bị phá vỡ bởi vì nó đã lỗi thời. Những nghiên cứu mang tính đột phá suốt hơn một thập kỷ qua trong lĩnh vực tâm lý học tích cực và ngành khoa học thần kinh đã chứng minh được rằng, mối liên hệ giữa thành công và hạnh phúc hoàn toàn trái ngược với những gì người ta vẫn nghĩ. Nhờ những lĩnh vực độc đáo này của khoa học, hiện nay chúng ta đã biết rằng hạnh phúc là điềm báo chứ không phải là kết quả của thành công. Và rằng hạnh phúc cũng như sự lạc quan thực sự có thể thúc đẩy hiệu suất và thành tích — cho chúng ta lợi thế cạnh tranh mà tác giả Shawn Achor gọi là Lợi thế của hạnh phúc.
Các đoạn hay trong sách:
1. Cuốn sách này đề cập đến rất nhiều cách để tận dụng lợi thế của hạnh phúc. Nhưng nếu không được đưa vào hành động thực tế, những chiến lược ấy sẽ vô dụng như bộ dụng cụ đắt tiền nằm trong tủ kính. Bí quyết để sử dụng các chiến lược này – để có được sự thay đổi tích cực và lâu dài – là tạo ra những thói quen đem lại hiệu quả một cách tự động, không cần tới nỗ lực liên tục hay ý chí bền bỉ. Bí quyết để tạo ra những thói quen đó là hành động có trình tự và lặp đi lặp lại cho tới khi hành động ấy bám rễ thật sâu trong não bạn. Và bí quyết để thực hiện hằng ngày là đặt hành động cần thực hiện vào con đường ít trở ngại nhất có thể, trong phạm vi càng gần thì càng tốt. Xác định năng lượng để kích hoạt hành động đó – thời gian, những lựa chọn, các nỗ lực về tinh thần và thể chất cần thiết – và giảm chúng xuống. Nếu bạn có thể cắt giảm năng lượng kích hoạt đối với những thói quen dẫn tới thành công, dù chỉ 20 giây một lần, bạn sẽ nhanh chóng thu hái được thành quả. Bước đầu tiên, dù là ẩn dụ hay theo nghĩa đen, chỉ là "mang giày vào".
2. chúng ta cần "biến hệ thống thần kinh trở thành đồng minh thay vì kẻ thù". Thói quen là một loại tài sản tài chính – là một khoản đầu tư vào ngày hôm nay và sẽ tự động đem lại lợi nhuận trong nhiều năm tới.
3. bộ não càng chọn lọc điều tích cực, bạn càng mong đợi việc đó kéo dài, và như vậy bạn càng trở nên lạc quan. Và tính lạc quan hóa ra lại là một dấu hiệu cực kỳ mạnh mẽ báo trước hiệu quả công việc. Các thí nghiệm cho thấy rằng những người lạc quan đặt ra nhiều mục tiêu hơn (và các mục tiêu khó hơn) so với người bi quan, họ cũng nỗ lực nhiều hơn để đạt được mục tiêu, không từ bỏ khi đối mặt với khó khăn, và dễ dàng vượt qua các trở ngại hơn[1]. Những người lạc quan cũng xử lý tốt hơn trong các tình huống căng thẳng và duy trì tốt hơn tình trạng hạnh phúc vào những thời điểm khó khăn – là những yếu tố chủ chốt góp phần nâng cao hiệu quả trong môi trường công việc nhiều đòi hỏi.
4. Đó chính xác là điều Archimedes muốn chỉ ra. Nếu có đòn bẩy đủ dài và một vị trí tốt để đặt – một điểm tựa – chúng ta có thể di chuyển toàn bộ thế giới.
Tôi nhận ra rằng bộ não của chúng ta hoạt động hoàn toàn đúng như vậy. Khả năng tối đa hóa tiềm năng của chúng ta phụ thuộc vào hai điểm quan trọng: (1) độ dài của đòn bẩy – niềm tin của chúng ta vào sức mạnh và năng lực tiềm ẩn của bản thân, và (2) vị trí đặt điểm tựa – loại tư duy mà chúng ta dùng để tạo ra sức mạnh thay đổi.
Ý nghĩa thực tế của điều này nằm ở chỗ, dù bạn là một sinh viên đang phấn đấu đạt thứ hạng tốt, một nhà quản lý bậc trung cố gắng để có mức lương cao hơn hay một giáo viên hy vọng truyền cảm hứng nhiều hơn cho học sinh, bạn không cần phải cố gắng quá mức để tạo ra lực đẩy và thu được kết quả. Như đã biết trong Phần 1, tiềm năng của chúng ta không phải là cố định. Chỉ cần dịch chuyển điểm tựa (hay tư duy), thế là đòn bẩy dài ra và chúng ta tạo được lực lớn hơn. Đẩy điểm tựa về phía tư duy tiêu cực, chúng ta sẽ chẳng bao giờ rời khỏi mặt đất. Đẩy điểm tựa về phía tư duy tích cực, sức mạnh đòn bẩy được khuếch đại – hãy sẵn sàng để nâng mọi thứ lên.
Chỉ bằng cách đơn giản là thay đổi điểm tựa của tư duy và kéo dài đòn bẩy của các khả năng, chúng ta sẽ thay đổi những gì có thể. Không phải trọng lượng của trái đất, mà chính điểm tựa và đòn bẩy sẽ quyết định chúng ta có thể hoàn thành điều gì.
5. Lợi thế của hạnh phúc là lý do vì sao những công ty phần mềm tiên tiến lại đặt bàn bi lắc trong sảnh nhân viên, vì sao Yahoo! có phòng massage ở nơi làm việc, và vì sao nhân viên của Google được khuyến khích mang chó tới chỗ làm. Đó không chỉ là những chiêu trò quảng cáo văn hóa công sở. Các công ty thông minh xây dựng kiểu môi trường làm việc như vậy bởi vì mỗi khi người lao động trải nghiệm cảm giác hạnh phúc, họ được thúc đẩy trở nên sáng tạo và đổi mới. Họ nhìn ra những giải pháp thường bị bỏ qua. Richard Branso[2] từng nói: "Hơn bất kỳ yếu tố nào khác, sự vui vẻ là bí mật nằm sau thành công của Virgin." Bởi vì niềm vui không chỉ là niềm vui, nó còn đem tới hiệu quả trong kinh doanh.
6. Năm 1543, Nicolas Copernicus[3] cho ra đời cuốn sách De Revolutionibus Orbium Coelestium (Về chuyển động quay của các thiên thể). Cho tới lúc đó, hầu như cả thế giới tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ và mặt trời quay xung quanh trái đất. Nhưng Copernicus đã chỉ ra rằng điều ngược lại mới đúng, trái đất quay xung quanh mặt trời. Khám phá này cuối cùng đã thay đổi cách loài người nhìn nhận toàn bộ vũ trụ.
Ngày nay, một sự chuyển dịch mang tính nền tảng tương tự cũng đang diễn ra trong lĩnh vực tâm lý học. Trong không biết bao nhiêu thế hệ, chúng ta đã được dạy để tin rằng hạnh phúc luôn đi theo quỹ đạo của thành công. Rằng nếu đủ chăm chỉ, chúng ta sẽ thành công và chỉ khi thành công thì hạnh phúc mới tới. Thành công được xem như tâm điểm của thế giới công việc, với hạnh phúc xoay xung quanh. Giờ đây, nhờ những đột phá trong ngành tâm lý học tích cực non trẻ, chúng ta được biết rằng điều ngược lại mới đúng. Khi hạnh phúc — là khi tư duy và tâm trạng tích cực — thì chúng ta sẽ sáng suốt hơn, có động lực hơn và do đó thành công hơn. Hạnh phúc là trung tâm, còn thành công xoay quanh nó.
Thật không may, bất chấp điều đã được chứng minh sau hàng thập kỷ nghiên cứu, nhiều doanh nhân và nhà lãnh đạo vẫn bám chắc vào niềm tin về một trật tự sai lầm. Những người có quyền lực tiếp tục nói rằng chỉ cần vắt kiệt sức và làm việc chăm chỉ, chúng ta sẽ thành công và do đó sẽ hạnh phúc vào một lúc nào đó trong tương lai. Khi chúng ta mải mê làm việc để thành công, hạnh phúc trở thành thứ không còn phù hợp, hoặc món đồ xa xỉ dễ vỡ, hoặc phần thưởng chỉ đạt được sau một đời lao động quần quật. Một vài người còn coi đó như một điểm yếu, một dấu hiệu rằng chúng ta đã không đủ chăm chỉ. Mỗi khi sa vào niềm tin lầm lạc này, chúng ta không chỉ vứt bỏ sự lành mạnh về tinh thần và cảm xúc, mà còn vứt luôn cả cơ hội để thành công và đạt được thành quả.
Những người thành công nhất sẽ không xem hạnh phúc là phần thưởng xa xôi cho những gì họ đạt được, họ cũng chẳng hoang phí thời gian vào điều tiêu cực. Họ là những người chú tâm vào khía cạnh tích cực và gặt hái thành quả trong mọi lượt chơi. Chương này sẽ cho bạn thấy họ làm điều đó như thế nào, vì sao cách làm ấy hiệu quả, và làm sao để bạn cũng được hưởng lợi. Theo một cách nào đó, lợi thế của hạnh phúc cũng là một khám phá theo kiểu Copernicus, cho chúng ta biết thành công xoay quanh hạnh phúc chứ không phải ngược lại
Về tác giả:
SHAWN ACHOR là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về tiềm năng của con người. Anh đã nghiên cứu và giảng dạy tại 42 quốc gia, đã bắc cây cầu nối giữa lý thuyết của khoa học về hạnh phúc với việc ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày. Được đào tạo bởi những nhà tiên phong trong lĩnh vực tâm lý học tích cực, anh đã từng làm giảng viên chính và hỗ trợ thiết kế, giảng dạy khóa học "Hạnh phúc" nổi tiếng nhất Harvard lúc bấy giờ. Hiện nay, anh là người sáng lập và điều hành Aspirant, một công ty nghiên cứu và tư vấn với nền tảng là tâm lý học tích cực, và mục tiêu là gia tăng thành tựu cá nhân và xây dựng môi trường làm việc hiệu quả hơn. Các bài giảng và bài viết của anh về khoa học hạnh phúc và tiềm năng con người nhận được rất nhiều chú ý trên New York Times, Boston Globe và Wall Street Journal, cũng như trên CNN và NPR. Shawn Achor hiện sống ở Cambridge, bang Massachusetts.
[1] Xem thêm về sự lạc quan:
[2] Richard Branson: doanh nhân, nhà từ thiện nổi tiếng người Anh, người sáng lập tập đoàn Virgin Group (ND).
[3] Nicolas Copernicus: nhà thiên văn học người Ba Lan, nổi tiếng với Thuyết nhật tâm (ND)
Gooda tin rằng cuốn sách sẽ mang lại kiến thức thật bổ ích cùng những trải nghiệm thật tuyệt vời, hy vọng đây sẽ là 1 cuốn sách quý trên kệ sách của bạn!
Mã sản phẩm | 8935251416398 |
Nhà cung cấp | Alphabooks |
Tác giả | Shawn Achor |
NXB | NXB Thanh Niên |
Năm XB | 2020 |
Kích thước | 14.5x20.5 cm |
Số trang | 320 Trang |
Hình thức | Bìa mềm |