Sách - Vây Giữa Tình Yêu: Tập Thơ Song Ngữ Việt
VÂY GIỮA TÌNH YÊU là một tập thơ của thi sĩ nổi tiếng thế giới người Bulgaria: Blaga Dimitrova.
Thơ Blaga Dimitrova viết về Việt Nam đem lại một cái nhìn khác và mới cho chính người Việt về con người và dân tộc mình. Từ những khái quát và suy tưởng thường được đặt ở cuối bài, tác giả đã nâng lên tầm nhận thức, tư tưởng của nhà thơ truyền đến người đọc thơ.
”Vây giữa tình yêu” là tên một bài thơ được bà lấy làm tên cả tập thơ. "Người Việt Nam bị vây giữa tình yêu" – nhà thơ vào đầu bài thơ bằng một câu khẳng định chắc chắn như vậy.
Tại sao lại là "bị vây giữa tình yêu"? Vì cuộc sống căng thẳng giữa hai bờ sinh tử, vì sự sống có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào, người Việt Nam dồn hết tình yêu thương cho nhau trong từng phút giây. Kết bài nhà thơ thêm một lần khẳng định: "Các bạn bị vây giữa tình yêu/ và đã trả một giá rất cao cho hạnh phúc". Từ đây nhà thơ phát hiện ra một nghịch lý: chiến tranh Việt Nam cướp đi sự sống của mọi thứ, nhưng lại làm sinh ra một tình yêu sự sống với đức hy sinh và khát vọng vô bờ. Quả là Blaga Dimitrova đã rất yêu và rất hiểu những người dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh.
Tôi kinh ngạc Blaga Dimitrova ở bài thơ "Người phụ nữ mang thai":
“Chị bước đi kiêu hãnh và trang nghiêm,
mang thai với tất cả nỗi đau của thế giới
Chị đi một mình giữa ồn ào
và lắng nghe bên trong mình tiếng nói,
nơi có điều kỳ diệu đang rung rinh
Nơi một nắm tay trong bóng tối chật hẹp muốn vươn mình ra ánh sáng
Chị đi qua đống đổ nát hoang tàn của chết chóc
Trong tim chị chúng gào thét đến thế nào
Mọi vết nứt trên mặt đất đều làm chị đớn đau
Chị nhặt nhạnh những mảnh vỡ
của thế giới nát nhàu
đưa vào cơ thể mình và tạo nên thế giới mới
Chị thận trọng và chăm chú bước tới
Giữ trong mình như trong bình chứa mong manh
tiếng cười ròn của một tương lai xanh
và mang theo cả quả địa cầu ở phía trước.” (tr. 58)
Bài thơ này Blaga Dimitrova viết năm 1967 tại Việt Nam, nơi bà tới lần đầu. Giữa cảnh đổ nát tang tóc sau một trận ném bom ở Hà Nội, một phụ nữ mang thai hiện ra và bước đi. Hình ảnh đó đập vào mắt nhà thơ. Bà bàng hoàng xúc động. Người phụ nữ đang mang cái sống trong mình nghĩ gì khi chứng kiến cái chết đang bày ra trước mặt. Tứ thơ đối chọi sống-chết đó được nhà thơ khai triển theo hướng cái chết phải khuất phục sự sống và người mang lại sự sống sau cái chết chính là người phụ nữ mang thai…
(Trích bài viết của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên)
Gooda tin rằng cuốn sách sẽ mang lại kiến thức thật bổ ích cùng những trải nghiệm thật tuyệt vời, hy vọng đây sẽ là 1 cuốn sách quý trên kệ sách của bạn!